Hiển thị 1 - 15 of 306 kết quả.
Hiển thị 1 - 15 of 306 kết quả.
Quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long tọa lạc tại 19C Hoàng Diệu, phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP. Hà Nội. Cụm di tích được bao bọc bởi bốn con đường, phía Bắc là đường Phan Đình Phùng, phía Nam là đường Điện Biên Phủ, phía Đông là đường Nguyễn Tri Phương và phía Tây là đường Hoàng Diệu.
Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long có tổng diện tích hơn 18.000ha, bao gồm các khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu và các di tích khác còn sót lại trong khu di tích Thành cổ Hà Nội như Đoan Môn, cột cờ Hà Nội, điện Kính Thiên, nhà D67, Bắc Môn, Hậu Lâu, tường thành và 8 cổng hành cung dưới thời Nguyễn.
Đây là công trình kiến trúc đồ sộ được xây dựng qua nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ và trở thành di tích lịch sử quan trọng trong các di tích Việt Nam và là niềm tự hào – biểu tượng của Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Hoàng thành Thăng Long được xây dựng từ thế kỷ VII (thời kì tiền Thăng Long) đến triều đại Đinh - Tiền Lê. Vào thế kỷ XI - năm 1010, đất Thăng Long xưa - Hà Nội nay được Vua Lý Thái Tổ chọn làm Kinh đô của nước Đại Việt và đặt tên là Thăng Long với mong muốn Kinh đô ngày càng phồn thịnh như linh vật rồng thiêng bay lên.
Khi mới xây dựng, Kinh thành Thăng Long được xây dựng theo mô hình tam trùng thành quách gồm: vòng ngoài cùng gọi là La thành hay Kinh thành, bao quanh toàn bộ kinh đô và men theo nước của 3 con sông: sông Hồng, sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu. Kinh thành là nơi ở và sinh sống của dân cư. Vòng thành thứ hai (ở giữa) là Hoàng thành, là khu triều chính, nơi ở và làm việc của các quan lại trong triều. Thành nhỏ nhất ở trong cùng là Tử Cấm thành, nơi chỉ dành cho vua, hoàng hậu và số ít cung tần mỹ nữ.
Trong suốt hơn 10 thế kỷ, từ thời Lý (thế kỷ XI - thế kỷ XII) đến thời Nguyễn (thế kỷ 19 - thế kỷ 20), các triều đại phong kiến Việt Nam đã liên tục kế thừa, xây dựng và phát triển Thành Đại La trở thành Thăng Long - Đông Kinh - Hà Nội với vai trò, vị trí là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước.
Sau hơn 1000 năm, trải qua thời đại Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn… Hoàng Thành Thăng Long đã bị thời gian và các cuộc tấn công phá hoại nghiêm trọng. Hiện nay phần lớn kiến trúc được bảo tồn, phục dựng trên nền di tích cũ. Bên cạnh phần công trình trên bề mặt, khu khảo cổ cũng dần được khai quật bài bản và mở cửa cho công chúng tham quan.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2009, được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới, đúng dịp tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2010).
Đây là khu di tích có nhiều dấu tích lịch sử được khai quật nhiều nhất. Từ các viên gạch của nền nhà, móng nhà, giếng cổ, trụ móng, tượng rồng,…
Di tích bao gồm tầng dưới cùng là một phần bên phía đông của thành Đại La dưới thời Cao Biền, nhà Đường. Tầng trên là vết tích của cung điện đời Lý – Trần. Tiếp đến là một phần đông cung nhà Lê. Trên cùng là trung tâm thành tỉnh Hà Nội ở thế kỷ 19 (thời nhà Nguyễn).
Một số cổ vật được trưng bày lộ thiên trong nhà có mái che để tiện cho du khách tham quan. Một số cổ vật quan trọng và có độ tinh xảo và có độ hoàn thiện cao sẽ được trưng bày ở tầng Hầm khu nhà Quốc Hội.
Khi ghé thăm nơi này bạn sẽ được biết thêm những kiến thức văn hóa về kiến trúc, mỹ thuật, văn hóa các triều đại. Qua đó bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử Việt Nam.
Đây là địa điểm không thể bỏ qua khi ghé thăm Hoàng thành Thăng Long, Cột cờ Hà Nội (Kỳ Đài) được xây dựng đầu thế kỷ 19 dưới thời Nguyễn. Cột cờ có chiều cao là 60m, gồm 3 tầng: Tầng 1 cao 3,1m, tầng 2 cao 3,7m và tầng 3 cao 5,1m. Đây là công trình hiếm hoi còn nguyên vẹn qua chiến tranh và hoành tráng nhất trong quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long.
Bên trong cột cờ là thang hình xoắn ốc dẫn từ phần đế lên đến đỉnh. Cầu thang dẫn du khách từ tầng thứ nhất lên tầng hai của cột cờ. Vật liệu xây dựng công trình này là các loại gạch, đá từ nhiều thời kỳ khác nhau. Theo các nhà nghiên cứu, tầng một và hai được xây dựng chủ yếu bằng gạch vồ, loại gạch xây dựng đặc trưng của thời Lê. Đến tầng thứ ba là gạch chỉ nung già và thân cột lại dùng loại gạch nung non.
Từ cột cờ Hà Nội, đi thêm một đoạn bạn sẽ đến với cổng Đoan Môn. Đoan Môn là cửa chính quan trọng nhất của Cấm thành Thăng Long, được khởi dựng từ thời Lý (1010 - 1225).
Cổng có thiết kế giống thành cổ xưa gồm 5 cửa vòm và được xây dựng hoàn toàn bằng đá gạch thời Lê. Cánh cửa ở giữa to nhất là lối đi dành cho vua chúa, 4 cánh cửa còn lại là lối đi của quan lại cận thần. Mặt sau Đoan Môn có hình chữ U với hai cửa phụ và hai cửa ngách đối xứng hai bên cửa chính.
Đi qua cổng Đoan Môn sẽ đến với điện Kính Thiên. Đây là nơi diễn ra các buổi thiết triều và tế lễ lớn của triều đình. Trước mặt điện là cột cờ, phía sau có Hậu Lâu, Cửa Bắc. Đây là nơi bạn có thể dễ dàng quan sát bao quát mọi thứ xung quanh.
Điện Kính Thiên nằm tại vị trí trung tâm của khu di tích Hoàng Thành Thăng Long với phần kiến trúc còn sót lại là những nền đá cũ cùng các bậc thềm để lên tới chính điện. Điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428, được coi là “một trong những tuyệt tác của kiến trúc An Nam”, tuy nhiên đã bị thực dân Pháp phá năm 1886 để xây dựng trụ sở chỉ huy pháo binh, hiện chỉ còn lại nền điện Kính Thiên và hai bậc thềm rồng đá.
Hậu Lâu được xây ở phía bắc hành cung với mục đích trấn giữ, tạo sự yên bình (theo phong thuỷ) nên còn được gọi là Lầu Tĩnh Bắc hay Hậu Lâu (lầu phía sau).
Đây là một tòa lầu được xây sau lưng Điện Kính Thiên. Đây là chốn ở của hoàng hậu và các công chúa nên được đầu tư xây dựng rất kỹ càng.
Hậu Lâu là tòa lầu gồm ba tầng. Tầng dưới cùng được xây theo dạng hình hộp với ba phòng tách biệt. Tầng lầu thứ hai cũng được chia làm ba phòng nhưng ngược lại với tầng một, phòng giữa ở đây lại thoáng đãng nhất với 3 cửa chính ở mặt trước tòa lầu. Tầng lầu thứ ba chỉ có một phòng mở 9 cửa ra ba hướng (Đông – Tây – Nam). Tầng lầu này có kiến trúc hai tầng tám mái theo kiến trúc mái hoàng cung với hình tượng đầu rồng trang trí ở góc cong.
Nhà D67 được xây dựng vào năm 1967. Đây từng là một khu quân sự thu nhỏ, là nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước. Là nơi ghi dấu những quyết định quan trọng của Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng và Quân ủy Trung Ương như chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước năm 1975.
Bạn có thể đến tham quan Hoàng thành Thăng Long vào bất kỳ thời điểm nào trong năm nhưng thời điểm đẹp nhất để tham quan là khoảng tháng 9 - 11 hoặc tháng 3 - 4 bởi lúc này thời tiết nắng đẹp, ít mưa thuận tiện cho việc di chuyển.
Từ trung tâm thành phố, bạn có thể lựa chọn các phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô hoặc đi xe buýt đều được. Lưu ý nên mặc trang phục lịch sự, tuân thủ các quy định của ban quản lý khu di tích.
Khu di tích Hoàng thành Thăng Long nằm ở vị trí thuận lợi để di chuyển đến các di tích khác như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các làng cổ, phố cổ, khu vực hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm...
Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long Hà Nội. Công trình kiến trúc đồ sộ này được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích của Việt Nam.
Những dấu vết kiến trúc độc đáo cùng hàng triệu hiện vật quý giá đã phần nào tái hiện lại quá trình lịch sử trải dài từ thời kỳ Bắc thuộc dưới ách đô hộ của nhà Tùy và nhà Đường (thế kỷ VII đến thế kỷ IX), xuyên suốt các triều đại: Lý, Trần, Lê, Mạc và Nguyễn (1010-1945). Ngày 31/7/2010 theo giờ địa phương tại Brasil, tức ngày 1/8/2010 theo giờ Việt Nam, Ủy ban di sản thế giới đã thông qua Nghị quyết công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là Di sản Văn hóa thế giới. Đây là niềm tự hào của không chỉ của riêng Hà Nội mà còn của cả đất nước Việt Nam.